2 Đĩa đá (đĩa than loa kèn cổ 78 RPM), 25cm, Mặt trận ái tình, Hữu Phước và Lệ Liễu

Home/ĐĨA THAN CẢI LƯƠNG, ĐĨA ĐÁ 78 VÒNG - 78 RPM/2 Đĩa đá (đĩa than loa kèn cổ 78 RPM), 25cm, Mặt trận ái tình, Hữu Phước và Lệ Liễu

2 Đĩa đá (đĩa than loa kèn cổ 78 RPM), 25cm, Mặt trận ái tình, Hữu Phước và Lệ Liễu

Nhãn đĩa:  Vạn Đức
Kích thước  25cm (10″)
Tốc độ  78 RPM
Số lượng  2 đĩa
Tình trạng  Rất tốt (VG+)

 

Description

phonograph 2

Hình minh họa đĩa đá (đĩa than) chơi trên máy hát đĩa đá, máy hát loa kèn cổ

Lưu ý: Đĩa không phải đĩa nhựa (Vinyl, LP), không dùng cho các đầu đĩa than, mâm đĩa than (Turntables)

Đĩa đá (đĩa than loa kèn cổ 78 RPM), 25cm
Mặt trận ái tình

Bạn Hữu Phước và cô Lệ Liễu
Đờn: Của, Long, Thơm

Thông tin về Nghệ Sĩ Hữu Phước
Sinh ngày: 1932
Mất ngày: 21 tháng 02 năm 1997.
Hưởng thọ: 65 tuổi
Nơi sinh: Huyện Châu Thành – Tỉnh Sóc Trăng
Nguyên quán: Sóc Trăng

CỐ NGHỆ SĨ HỮU PHƯỚC: Giọng ca ru người vào mộng…

NHỮNG GIỌNG CA VÀNG CỦA CÁC NGHỆ SĨ TÀI DANH, NẾU TÍNH THẾ HỆ NGHỆ SĨ TIỀN PHONG TỪ NHỮNG CÔ NĂM SA ĐÉC, NĂM CẦN THƠ, CÔ BA BẾN TRE, ÔNG NĂM NGHĨA, ÔNG TÁM THƯA, CÔ NĂM PHỈ, NSND NĂM CHÂU… THÌ THẾ HỆ KẾ ĐÓ LÀ NHỮNG CỐ NSND ÚT TRÀ ÔN, NS THANH HƯƠNG, NS HỮU PHƯỚC… LÀ NHƯNG GIỌNG CA VÀNG ĐÃ ĐI VÀO LỊCH SỬ CẢI LƯƠNG. RIÊNG CỐ NS HỮU PHƯỚC, MẶC DÙ ÔNG ĐÃ VỀ CÕI VĨNH HẰNG HƠN 15 NĂM (1997 TẠI PHÁP), NHƯNG KHI NHẮC ĐẾN NHỮNG GIỌNG CA VÀNG NGÀY XƯA, RẤT NHIỀU NGƯỜI LỚN TUỔI HOẶC TUỔI TRẺ CÓ DỊP NGHE LẠI BĂNG DĨA THÌ KHÔNG THỂ NÀO QUÊN ÔNG.
MỘT CHÚT RIÊNG TƯ VỀ NS HỮU PHƯỚC
NS Hữu Phước sinh ra trong một gia đình tri thức (1932), tại Châu Thành – Sóc Trăng, nhưng lại có tinh thần nghệ thuật. Ông tên thật là Henry Trần Quang, thân phụ ông làm quan tòa (Trần Quang Cảnh) lại là một nhạc sĩ violon nổi tiếng ở Sóc Trăng lúc bấy giờ về nhạc Tài tử – Cải lương, lẫn nhạc Tây; thân mẫu ông là bà Tám Kiều từng hát đào chánh cho gánh thầy Minh ở Sóc Trăng. Do vậy, NS Hữu Phước thời niên thiếu đã ảnh hưởng dòng huyết thống của cha mẹ, và ít nhiều được cha mẹ truyền nghề ca ngâm cho ông. Bên cạnh đó là ông còn được thầy đờn Mười Lương (chồng của cô Năm Cần Thơ) chỉ dạy nhịp nhàng, bài bản Tài tử – Cải lương nữa.
Theo tài liệu của cố học giả Vương Hồng Sến và soạn giả Nguyễn Phương thì NS Hữu Phước bắt đầu khởi nghiệp từ năm 1954, khi bước vào nghề thì ông đã có một số vốn liếng cơ bản về nghề. Thêm vào đó, NS hữu Phước có điều kiện thuận lợi hơn là được sư phụ Mười Lương đưa vô ca Vọng cổ ở quán nghệ sĩ nhà (Quán nghệ sĩ Họa Mi của cô Năm Cần Thơ), và chính sư phụ ông đặt nghệ danh cho ông là “Hữu Phước”. Từ duyên cớ ca Quán nghệ sĩ mà NS Hữu Phước được nhiều nghệ sĩ tên tuổi và những ông bầu, chủ hãng đĩa hát biết đến, đây cũng là điều kiện thuận lợi của ông mà sau này giọng ca của ông hầu như xuất hiện qua các hãng đĩa nổi tiếng ở Sài Gòn.
Nhiều khán – thính giả cũng như trong giới đánh giá giọng ca của NS Hữu Phước ngày xưa là giọng ca ru hồn, nghĩa là mùi mẫn, ngọt ngào nhưng rất đầm ấm và êm diệu khác với nhiều giọng ca đương thời. Nói khác đi, ông có giọng ca riêng biệt không giống ai về âm điệu và cách xử lý hơi giọng. NS Hữu Phước sớm chạm đến thành công và ổn định hơi – giọng từ những bài Vọng cổ khởi nghiệp như: “Tình phụ tử” của soạn giả Quy Sắc, “Lá bàng rơi”, “Gánh nước đêm trăng” của Viễn Châu…
Những năm cuối thập niên này, giọng ca của NS Hữu Phước như một hiện tượng mới về phong cách ca ngâm, cả về làn hơi chất giọng, nên không những người mộ điệu đang quan tâm mà các hãng đĩa cũng tranh nhau mời ông thu theo chủ đề (ca lẻ hoặc vở) như bộ đĩa than 2 đĩa (đĩa đá record 78prm) “Mặt trận ái tình” của soạn giả Thu An, ” Tình huynh đệ”, “Tình mộng”, “Đội gạo đường xa”…qua các hãng dĩa Asia, Hoành Sơn, Việt Hải, Continental… Lúc này, giọng ca của NS Hữu Phước dường như thu hút sự thưởng mộ của thính giả mạnh hơn so với nhiều giọng ca đương thời như: Việt Hùng, Thành Công, Chín Sớm… Có thể nói, sau giọng ca vàng của “vua vọng cổ” Út Trà Ôn là NS Hữu Phước; đặc biệt bài vọng cổ “Cao Tiệm Ly tiễn Kinh Kha qua sông Dịch” do ông Út và Hữu Phước song ca làm cho Hữu Phước càng nổi bật hơn. Hữu Phước: Hãy uống nữa đi anh để rồi sau khi anh sang tận bên kia bờ Dịch Thủy, Ly ở đây sẽ vắng bóng người tri kỷ đêm từng đêm rũ rượi tiếng tiêu… sầu. Mưa gió thê lương nhỏ lệ xuống chân cầu. Khóc người đi không bao giờ trở lại, để nơi này nhớ mãi hận ngàn thu. Biết lấy gì để tiễn đưa nhau, thôi thì mượn tiếng trúc với bầu rượu nóng. Tiếng ơ trúc nói lên tình tri kỷ, rượu hoàng hoa sưởi ấm dạ anh hùng (câu 5). Út Trà Ôn: Đa tạ, xin cảm ơn Cao Tiệm Ly hiền hữu. Vâng, Kha uống cạn chung này và xin vĩnh biệt. Hữu Phước: Hiền hữu ơi, rồi đây mang lưỡi gươm thề vào tận đất Hàm Dương bạn sẽ trả được thù vong quốc. Hãy cho tôi lau dòng nước mắt, bởi cạn chung này mình sẽ chia tay… NS Hữu Phước ca bài này nghe mùi mẫn, bi ai. Vốn văn ca đã áo não, hơi giọng ông vừa trầm vừa êm êm, ca theo lối tự sự, từng nhịp ca được ông buông hơi nhẹ nhàng sâu lắng, âm sắc mượt mà bởi âm hưởng cái ngân gió “ơ”… của ông càng như lời ru vậy.
TRÊN SÂN KHẤU CẢI LƯƠNG
NS Hữu Phước khi được sự chú ý của các hãng dĩa cũng là lúc các ông bầu đón mời ông, lần lượt theo các hợp đồng, ông qua các gánh Kim Thoa, Kim Chưởng, Thanh Hương, Thanh Minh – Thanh Nga… Có lẽ, ở gánh Kim Thoa và Thanh Minh – Thanh Nga là dấu ấn sâu sắc với NS Hữu Phước. Với Kim Thoa là sân khấu đầu tiên ông vào nghề, ông và NS Hề Minh ca Vọng cổ Salon ngoài màn để câu khách trước khi trình diễn vở chính. Với Thanh Minh – Thanh Nga là sân khấu mà ông đã in đậm trong lòng khán giả nhiều vai diễn nhất. Cũng chính sân khấu này đã đưa NS Hữu Phước đến Huy chương vàng Giải Thanh Tâm – Diễn viên xuất sắc – 1966 với vai bác sĩ Vũ trong vở “Đôi mắt người xưa” của soạn giả Nguyễn Phương. NS Hữu Phước không chỉ tạo ấn tượng với khán giả bằng vai bác sĩ Vũ, mà ông còn có nhiều vai khác lão mùi trong các vở “Con gái chị Hằng”, “Tấm lòng của biển”, “Nửa đời hương phấn” (Hà Triều – Hoa Phượng)… Những vai lão mùi trong các vở hầu hết tác giả kịch bản dường như đã “đo ni đóng giày”, và cũng chính là sở trường của NS Hữu Phước, đó là hình ảnh của những lão nông Nam bộ dưới quê lên thành thăm người thân, hoặc là ở dưới quê khi có người thân ở thành về…
Ông ca diễn rất chân thật bằng bản chất chân chất và thẳng thắn của nhân vật, lối diễn trầm tĩnh, biểu hiện lời thoại chậm rãi, từ tốn nhưng ông gằn giọng biểu đạt nội tâm rất có chiều sâu. Khi ca cũng vậy, nhấn từng ca từ trọng âm để thể hiện tâm lý, cảm xúc rồi buông hơi nhẹ nhàng, nên âm sắc nghe mùi mẫn và ngọt lịm… người ta cho là giọng ca của ông ru hồn là vậy. NS Hữu Phước có làn hơi mạnh và âm vực tương đối rộng chứ không quá rộng, mà nhiều nghệ sĩ khác cũng có, nhưng chất giọng của ông ít ai có, cho dù sau này có NS Út Hiền và Đức Lợi nhưng giống khoảng 50 – 70% theo ước đoán của nhiều người. Giọng ca của NS Hữu Phước khó mà xác định loại giọng gì là chính, nếu giọng “Đồng” sao âm sắc không rổn rảng khi ca những thể điệu Bắc lúc hùng hồn, “Vàng” sao không vút cao mà thanh thoát, “Thổ” sao không đục và khàn khàn khi xuống những âm trầm như “Xàng” khi ca những thể điệu Nam – Oán?…
NS Hữu Phước cũng có khả năng ca chẻ nhịp và sắp văn độc đáo, có trường hợp hưng phấn ông ca bỏ cả song lang giữa (Vọng cổ), khuôn nhịp chỉ lướt qua rất nhẹ nhàng, người nghe phải hồi hộp sợ ông rớt nhịp. Còn khi xuống “hò hoặc xề” Vọng cổ ông xử lý kỹ thuật ngân hơi trong thanh quản thả hơi từ từ âm “ơ” kéo dài xuống Vọng cổ, khiến người nghe có cảm giác tựa hồ như ông bị hụt hơi, chính những kỷ thuật đó làm giọng ca của ông rất êm dịu và sâu lắng. Đó là nét riêng của NS Hữu Phước, ông không bao giờ ca “bốc”, ca cấn, tức là đẩy làn hơi chất giọng lên cao hay luyến láy… Có thể thấy trong câu Vọng cổ “Lá bàng rơi” của Viễn Châu ông sử dụng kỹ thuật ca ngâm này: “Đây có phải quán hàng năm cũ. Sương mờ giăng bao phủ một khung trời. Lá bàng rơi lá bàng rơi. Chiều nay có kẻ nghẹn lời nhớ thương… Gió thổi vi vu lá bàng bay lả tả như chào đón hỏi han người khách lạ ở ven… đường. Nắng táp mưa xa đượm nét phong trần. Đây là quán hàng năm trước dưới cội bàng đội nắng che sương. Từ độ nào khách lẳng lặng ngồi bên chén trà tươi say khói thuốc hương nồng và nhìn mãi đôi mắt nhung đen của cô hàng xinh xinh trẻ tuổi…”. Cái ngân dứt khuôn hoặc dứt câu của ông rất nhẹ khiến âm sắc nghe thoang thoảng như gió lay nhẹ cành trúc “…ơ…ơ…ơ…”. Ông buông hơi, ngân giọng dài nhưng ít khi xử lý kỹ thuật nhấn trọng âm bằng cường độ, mà ông xử lý trường độ để kéo dài hơi rất nhẹ nên nghe êm dịu. Có những chỗ chẻ nhịp, ông lại ngắt giọng, ém hơi một chút rồi ngân giống như nói ngập ngừng, tạo âm sắc buồn và cảm xúc… NS Hữu Phước có lối diễn như ca, ông ca sao thì ánh mắt và động tác, hình thể biều đạt theo lời ca. Ông ca như ru thì diễn đằm thắm như mạch sóng ngầm, có nghĩa là không ồn ào sôi nổi, mà ông thể hiện nội tâm là chính, sâu lắng là ở chỗ đó (NSUT Phương Quang mô tả). NS Hữu phước đã lấy nước mắt không biết bao nhiêu khán giả trong vai cậu Tư Kiên – vở “Con gái chị Hằng” ở lớp đối thoại với Trinh: “Trinh ơi, cậu rất buồn khi nghe cháu nói hoài Chánh Giác. Vì cậu nhớ lại lúc sanh cháu ra, chị Hai nghèo quá không có tiền mua sửa nên phải cho con bú đỡ nước cháo pha… đường. Má cháu đau vì quá lo buồn. Trước ngày sanh, chính tay cậu cùng má cháu, che một trái bên hè của người chú bà con, đau có lá lót giường nên má con đành lấy lá chuối non, không tiền bạc mua than, cậu phải đi quơ từng khúc củi…” Ông nắn nót từng nhịp ca từ không phải nhấn nhá hay luyến láy, mà ca tự sự vừa ngập ngừng, vừa như than thở, khiến người nghe không khỏi nao lòng. Nếu như nhiều nghệ sĩ tài danh nhờ giọng ca thường là họ chau chuốt làn hơi chất giọng, còn NS Hữu Phước không hề tô điểm hơi – giọng mà ông luôn va bằng tâm trạng, nên lúc nào giọng ca của ông nghe như mang nặng một tâm tư gì đó…
Tuy NS Hữu Phước không cống hiến tài năng của ông trọn vẹn cho quê hương xứ sở, cũng do mỗi người mỗi hoàn cảnh khác nhau, nhưng ông đã tạo lập một phong cách ca ngâm riêng và để lại ấn tượng khó phai trong lòng một bộ phận khán giả nhất định nói riêng và lịch sử Cải lương nói chung. Nhiều nghệ sĩ tài danh khác có hậu duệ kế thừa, còn NS Hữu Phước thì ngoài cố NS Út Hiền, Hoài Vĩnh Phúc, Hữu Lợi (Hữu Lợi hồ quảng, khác Hữu Lợi là anh ruột của kép độc Bửu Lộc ở đoàn Hương Mùa Thu), Phương Tùng (Đoàn Nhân Dân Kiên Giang, khác với Phương Tùng ở Đoàn CL Long An) và Đức Lợi thì hiện nay chưa thấy một ai xuất hiên có phong cách ca ngâm theo lối NS Hữu Phước cũng là điều đáng tiếc. ĐỖ DŨNG
Nguồn Wikipedia, Cải lương Việt Nam

Go to Top